Đàn Nguyệt được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong các dòng nhạc dân gian cũng như cung đình cổ truyền của người Việt. Xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ 11, cho tới nay, nó vẫn giữ một vị trí trọng yếu trong sinh hoạt âm nhạc của con người Việt Nam.
Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, nhạc công có thể tạo được những âm nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại, duyên dáng và vô cùng dịu dàng.
Tiếng đàn trong, vang, khả năng biểu hiện phong phú- khi thì sôi nổi, lúc lại nỉ non sâu lắng, do vậy mà Đàn Nguyệt có mặt cả trong những cuộc hoà tấu nhạc lễ trang nghiêm, những cuộc hát văn lôi cuốn, say đắm lòng người, những buổi lễ tang thương xúc động, nghẹn ngào tiễn đưa người đã khuất về nơi vĩnh hằng cũng như những buổi hoà tấu thính phòng thanh tao của giới nghệ sĩ với những hình thức diễn tấu khác như: đệm cho hát, hoà tấu và độc tấu.